Trường Đại Học Quốc Tế – Đại Học Quốc Gia TP.HCM

Buổi nói chuyện “Chụp ảnh và nghiên cứu lỗ đen, Vũ trụ học” với GS Paul Ho – tổng giám đốc đài quan sát Đông Á

“Các em sinh viên ngành Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn (Kỹ thuật Không gian) – Trường ĐHQT có kiến thức rất tốt, năng động, và tiếng Anh rất trôi chảy” – GS Paul Ho cảm thấy rất vui, ấn tượng về sinh viên ngành sau buổi trò chuyện sáng nay ngày 23/02.

Chiều ngày 22/02/2023 vừa qua, ngành Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn (Kỹ thuật Không gian) đã tổ chức buổi nói chuyện với Giáo sư Paul Ho – Tổng Giám đốc Đài quan sát Đông Á (một trong 8 Đài quan sát tham gia chụp được bức ảnh đầu tiên về lỗ đen vũ trụ) với chủ đề “Chụp ảnh và nghiên cứu lỗ đen”. Buổi nói chuyện đã được tổ chức vô cùng thành công với sự góp mặt của 170 bạn học sinh THPT và hơn 50 khán thính giả từ khắp nơi. Không dừng lại ở đó, vào sáng ngày 23/02/2023, GS đã trở lại trường Đại học Quốc tế một lần nữa để giải đáp các thắc mắc còn dang dở của các em sinh viên.

PGS. TS. Trần Tiến Khoa – Hiệu Trưởng Trường ĐHQT tặng hoa và quà lưu niệm cho GS. Paul Ho

Bài giảng của GS đã giới thiệu đến các khán giả những nghiên cứu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực Vật Lý Thiên Văn. Đồng thời GS cũng giới thiệu những công nghệ vô cùng tiên tiến đã được phát triển để có thể phát hiện ra được lỗ đen bằng nhiều phương pháp khác nhau. Những phương pháp bao gồm “cảm nhận, nghe, nhìn”. “Cảm nhận” tương tác của lỗ đen thông qua chuyển động những ngôi sao ở gần chúng. “Nghe” những lỗ đen sát nhập nhau và tạo ra sóng hấp dẫn. “Nhìn” lỗ đen bằng những hệ kính thiên văn tiên tiến nhất thế giới. GS cũng nhận xét về tiềm năng phát triển của ngành Vật Lý thiên văn của nước ta với một thế hệ trẻ, năng động. Đồng thời GS cũng thể hiện mong muốn được hợp tác và phát triển với Việt Nam trong tương lai.

GS Paul Ho, PGS Phan Bảo Ngọc cùng các thầy cô, sinh viên ngành Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn (Kỹ thuật Không gian)

Rất nhiều câu hỏi từ các khán giả được gửi đến GS trực tiếp trong buổi giảng, thể hiện được niềm đam mê học hỏi của các bạn trẻ như: Vật chất rơi vào lỗ đen sẽ đi về đâu? Làm sao lỗ đen có thể bẻ cong ánh sáng? Nếu lỗ đen vô hình thì làm sao chúng ta có thể biết được chúng ở đâu? GS có thể giải thích cơ chế của bức xạ Hawking được không? Làm sao để lọc nhiễu ra khỏi các bức ảnh lỗ đen? Kính thiên văn JWST có thể giúp gì cho việc nghiên cứu lỗ đen?

Sáng ngày 23/02, các bạn sinh viên tiếp tục gửi đến giáo sư hàng chục câu hỏi khác: Làm sao để mô phỏng lỗ đen? Làm sao để xác định tuổi lỗ đen? Dựa vào ảnh chụp lỗ đen chúng ta có thể biết được hướng của lỗ đen? Chúng ta có thể nghiên cứu về từ trường của lỗ đen hay không? Có phải tất cả các chuẩn tinh đều chứa lỗ đen siêu nặng? GS có thể giải thích nguyên lý của tương thích quang học cho chúng em được không? Dữ liệu của các kính thiên văn được thu thập và lữu trữ như thế nào?

Ngoài trả lời những câu hỏi về khía cạnh khoa học. GS đã truyền cảm hứng cho các bạn sinh viên, thắp lửa đam mê về khoa học vũ trụ với những lời khuyên cũng như động viên các em tiếp bước trên con đường học tập.

Qua sự kiện này, ngành Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn (Kỹ thuật Không gian) hy vọng đã thắp lên trong các em học sinh, sinh viên niềm đam mê về thiên văn học, vũ trụ học; cũng như giúp các em hiểu được vai trò quan trọng của khoa học cơ bản trong sự phát triển vượt bậc của các công nghệ tiến bộ trên hành trình khám phá và chinh phục Vũ trụ.

Dưới đây là một vài bức ảnh tiêu biểu của sự kiện này.

Thầy Trần Tiến Khoa – Hiệu trưởng nhà trường đến dự nghe toàn bộ buổi nói chuyện của GS Paul Ho
Thầy Phan Hiền Vũ – Phó Trưởng Bộ môn Vật lý đang tập trung cao độ nghe về Lỗ đen
GS Paul Ho, thầy Phan Bảo Ngọc chụp ảnh cùng thầy cô ở các trường THPT, các em học sinh và sinh viên Trường ĐHQT
GS Paul Ho chụp ảnh cùng các em học sinh
GS Paul Ho chụp ảnh cùng các em sinh viên
Học sinh đặt câu hỏi
Sinh viên đặt câu hỏi
GS Paul Ho trò chuyện với sinh viên ngành Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn (Kỹ thuật Không gian) sáng ngày 23/02/2023

NGÀNH PHÂN TÍCH VÀ ỨNG DỤNG DỮ LIỆU LỚN (Kỹ thuật Không gian)

Ngành Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn (Kỹ thuật Không gian), được thành lập đầu tiên ở Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM, đào tạo kỹ sư chuyên về phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn trong công nghệ vệ tinh với các mảng bao gồm: xử lý và phân tích tín hiệu, ảnh vệ tinh; công nghệ viễn thám và định vị.

Ngành ra đời nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vệ tinh trong mọi mặt đời sống xã hội, phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.

Từ năm học 2023-2024, ngành Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn (Kỹ thuật Không gian) đẩy mạnh khối kiến thức về khoa học dữ liệu lớn (Big Data Analytics and Applications) với 20 tín chỉ (bao gồm cả tự chọn), trong đó có 4 tín chỉ dành cho Phân tích kinh doanh với dữ liệu lớn, giúp cho sinh viên làm quen với các bài toán trong thực tiễn kinh doanh. Sinh viên các ngành khác hoàn toàn có thể học môn này. Với sự thay đổi này ngành Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn (Kỹ thuật Không gian) sẽ là một trong những ngành “hot” nhất trong đào tạo nhân lực về các công nghệ lõi của Cách mạng 4.0.

Ngành Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn (Kỹ thuật Không gian) đặc biệt có chương trình thực tập ở các viện nghiên cứu hàng đầu ở Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản với tài trợ tài chính từ các đối tác cho sinh viên của ngành.

Tỷ lệ học sinh có học bổng toàn phần (miễn 100% học phí) và bán phần (miễn 50% học phí) khi vào học ngành Kỹ thuật Không gian lên tới 30%.

Kỹ sư tốt nghiệp ngành Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn (Kỹ thuật Không gian), 100% có việc trong khoảng thời gian 6 tháng từ khi tốt nghiệp, với mức lương từ 12 đến 25 triệu đồng/tháng.

Các bạn muốn có thêm thông tin về Ngành, đừng ngần ngại liên hệ admin nhé!