Mới đây, đề tài nghiên cứu về khí quyển của các ngoại hành tinh khí và sao lùn nâu do anh Nguyễn Phúc Đạt (Fuda Nguyen) – nghiên cứu sinh tại Đại học Arizona – đã được chấp thuận bởi hội đồng Viện Khoa học Kính viễn vọng Không gian (STScI). Đây sẽ là một trong 274 chương trình quan sát được Kính thiên văn Không gian James Webb (JWST) thực hiện trong gần 1 năm tới. Các SE-er có thấy cái tên này quen quen không? Anh Đạt chính là sinh viên khoá K16 của ngành Kỹ thuật Không gian đấy nhé.

Các nghiên cứu gần đây về sao lùn nâu tiết lộ những biến đổi chậm về độ sáng – những tính chất mà mô hình truyền thống không thể giải thích. Bằng mô phỏng máy tính, NCS. Nguyễn Phúc Đạt và TS. Dániel Apai đã đề ra giả thuyết rằng tại các cực của sao lùn nâu (và hầu hết các ngoại hành tinh khí khổng lồ) có thể tồn tại những vùng không khí xoáy tương tự trên Mộc Tinh. Các xoáy cực (polar vortex) này tạo nên động lực học và tính chất quang phổ khác biệt cho vùng cực. Nói cách khác, khí quyển sao lùn nâu có thể phức tạp và năng động hơn chúng ta vẫn nghĩ.
Với hơn 100 giờ quan sát bằng JWST, nhóm của anh Đạt sẽ lần đầu tiên làm sáng tỏ sự tồn tại của xoáy cực bên ngoài Thái Dương Hệ.
Xin chúc mừng anh Đạt! Chúc anh gặt hái thật nhiều thành quả từ nghiên cứu sắp tới.
Theo: https://aasnova.org/2024/11/15/pointing-to-the-poles-of-brown-dwarfs-polar-vortex-possibilities
Danh sách các đề tài được nhận bởi STScI: https://www.stsci.edu/…/general-observers/cycle-4-go
Tổng hợp: Khoa Lê