Ngày 16/12 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức khởi động dự án nhóm vệ tinh IRIS², hướng đến công nghệ liên lạc viễn thông bền bỉ, an toàn và nhanh chóng. Gần 300 vệ tinh IRIS² sẽ được Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) đưa vào Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) và tầm trung (MEO) trong thời gian tới. Với mức đầu tư hơn 10 tỷ euro, IRIS² sẽ là chương trình không gian chủ chốt thứ 3 của EU sau Copernicus và Galileo.
IRIS² ra đời nhằm hỗ trợ chính phủ và người dân EU trong đa dạng lĩnh vực: Giám sát biên giới và hàng hải, hỗ trợ nhân đạo, liên lạc an toàn (nhất là cho các cơ sở hạ tầng quan trọng như đại sứ quán), an ninh và quốc phòng… Trong thương mại, hệ thống IRIS² có thể được ứng dụng vào ngành giao thông vận tải, quản lý mạng lưới năng lượng, ngân hàng hay chăm sóc sức khoẻ từ xa và kết nối các vùng nông thôn với nhau. Ngoài ra, với công nghệ 5G tốc độ cao, an toàn và tiết kiệm chi phí, người dân EU có thể dễ dàng truy cập Internet băng thông rộng và sử dụng các dịch vụ đám mây dựa trên vệ tinh mọi lúc, mọi nơi. Sự ra đời của IRIS² cho phép kết nối đến các vùng hiện nay vẫn khó phủ sóng, kể cả Bắc Cực và Châu Phi, đồng thời tăng cường sự gắn kết giữa các lãnh thổ thành viên trong liên minh.
Vừa qua, ESA đã ký kết thoả thuận nhượng quyền 12 năm với tập đoàn SpaceRISE – đứng đầu bởi các công ty khai thách vệ tinh hùng mạnh là SES, Eutelsat và Hispasat. Mô hình đầy đủ của SpaceRISE thực chất bao gồm đa dạng các nguồn lực: Từ các nhà sản xuất vệ tinh, các công ty đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với kinh nghiệm lâu dài trong phát triển và khai thác các chương trình không gian hợp tác với công nghiệp, ESA sẽ đóng vai trò then chốt trong chương trình IRIS², đảm nhiệm giám sát các hoạt động phát triển cũng như đánh giá chất lượng sản phẩm từ SpaceRISE cung cấp.
Nguồn: https://www.esa.int/…/ESA_to_support_the_development_of…
Tổng hợp: Khoa Lê