Trường Đại Học Quốc Tế – Đại Học Quốc Gia TP.HCM

Dữ liệu lớn – quá khứ, hiện tại và tầm nhìn của tương lai

Với sự phát triển của công nghệ thông tin và công nghệ thông minh kết nối các hệ thống thiết bị, lượng dữ liệu được tạo ra hằng ngày tăng rất nhanh. Theo thống kê của Statista, lượng dữ liệu được tạo ra tăng gấp 30 lần từ năm 2010 đến năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên gấp 90 lần vào năm 2025. Theo đó, nhu cầu xử lý và sử dụng lượng lớn dữ liệu một cách hiệu quả trở nên cấp thiết, thúc đẩy sự phát triển của ngành phân tích dữ liệu lớn (Big data analytics). Dữ liệu lớn là một trong những công nghệ lõi của Kỹ thuật số, một trong 3 trụ cột chính (Kỹ thuật số, Công nghệ sinh học và Vật lý) của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

ỨNG DỤNG CỦA BIG DATA TRONG GIAO THÔNG VẬN TẢI VÀ QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG

Dữ liệu lớn đóng góp vai quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, trong đó có giao thông vận tải. Việc ứng dụng dữ liệu lớn có thể giải quyết được nhiều vấn đề làm đau đầu các nhà quản lý như tối ưu hóa thời gian hoạt động, giảm thiểu chi phí và tăng doanh thu, tự động hóa quy trình vận chuyển.

Hiện nay, nhiều công nghệ thông minh được sử dụng phổ biến trong ngành giao thông vận tải, ví dụ công nghệ định vị, dẫn đường, các cảm biến để cung cấp hình ảnh, thông tin về phương tiện, …Khi các thiết bị này được kết nối với nhau, lượng dữ liệu hằng ngày tăng lên đột biến. Nhằm tối ưu hóa quá trình chuyên chở hàng hóa, phân tích dữ liệu lớn được sử dụng dưới nhiều phương thức khác nhau như phân tích dữ liệu hàng hóa, số lượng, tình trạng và cách thức vận chuyển để đảm bảo chất lượng; tính toán lượng hàng, người ở các thời điểm vị trí khác nhau để điều phối nguồn nhân lực và vật lực nhằm giảm thiểu thời gian vận chuyển; tìm giải pháp để giải quyết các tình huống bất ngờ như thời tiết, tai nạn.

Phân tích dữ liệu lớn giúp các doanh nghiệp dự báo chính xác hơn về nhu cầu và chu kỳ mua bán của khách hàng. Từ đó, các công ty có thể ước tính sức chứa kho hàng trong tương lai nhằm hỗ trợ giảm thiểu chi phí, tăng doanh thu. Ví dụ cụ thể là dự đoán lượng hành khách vào từng thời điểm để tăng giảm số chuyến xe một cách hợp lý, tiết kiệm chi phí nhiên liệu.

Dữ liệu lớn còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc tự động hóa quy trình vận chuyển. Phân tích dữ liệu lớn cung cấp giải pháp giúp doanh nghiệp tự động hóa các khâu như lập kế hoạch vận chuyển, đơn đặt hàng nhà cung cấp, xử lý tài liệu và lập hóa đơn. Theo đó, các nhà quản lý có thể theo kịp với lịch trình của phương tiện vận chuyển, giảm thiểu chi phí và rủi ro. Mục tiêu dài hạn của phân tích dữ liệu trong tự động hóa vận chuyển là phương tiện tự hành. Các phương tiện có thể giao tiếp và nhận chỉ dẫn từ  hệ thống điều khiển một cách hiệu quả, tăng tính khả thi cho công nghệ vận tải tự hành.

Với các ứng dụng trên, dữ liệu lớn đã và đang tạo ra cuộc cách mạng cho ngành giao thông vận tải, góp phần đem lại hiệu quả vận hành, nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp.

ỨNG DỤNG CỦA BIG DATA TRONG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ KHÔNG GIAN

Dữ liệu lớn được ứng dụng rộng rãi trong nhiều mảng của khoa học và công nghệ không gian như viễn thám, hệ thống định vị vệ tinh và thiên văn học. Với lượng lớn dữ liệu khổng lồ tạo ra hằng ngày, chúng ta cần tổ chức lưu trữ, xử lý và phân tích dữ liệu lớn một cách khoa học để có thông tin tin cậy, từ đó có thể ra quyết định nhanh và chính xác trong quản lý, lãnh đạo và xây dựng chính sách.

Trái đất đã được số hóa! Hiện nay, các thiết bị viễn thám đã được sử dụng rộng rãi để quan sát hành tinh của chúng ta từ các góc nhìn khác nhau, từ đó cung cấp dữ liệu hỗ trợ cho việc phát triển và quản lý kinh tế – xã hội, an ninh và quốc phòng.  Việc phân tích dữ liệu này đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý của chính phủ các nước, như quản lý môi trường, đô thị, tài nguyên đất, nước, và biển đảo. Việc số hoá bề mặt Trái đất cũng giúp chính phủ các nước phối hợp ứng phó nhanh chóng với các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, thảm hoạ thiên nhiên và dịch bệnh.

Dữ liệu lớn còn được ứng dụng trong các công nghệ định vị vệ tinh. Do giá thành sản xuất giảm, các thiết bị thu tín hiệu vệ tinh đã được lắp đặt rộng rãi để phục vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau, bao gồm cả ngành giao thông vận tải được đề cập ở trên. Các thiết bị này nhận được lượng lớn dữ liệu từ các hệ thống định vị GNSS như GPS, GALILEO, GLONASS, QZSS, BEIDOU và từ những thiết bị lân cận. Một ví dụ điển hình là công nghệ định vị sử dụng kết hợp giữa Bluetooth và GNSS hiện nay của Apple. Do đó, nhiều thách thức về tốc độ xử lý cũng như lưu trữ dữ liệu xuất hiện. Dữ liệu lớn được ứng dụng để gia tăng tốc độ tính toán bằng các thuật toán mới, cải thiện độ chính xác trong công nghệ định vị. Đồng thời, dữ liệu lớn cũng được áp dụng để sắp xếp và lưu trữ dữ liệu một cách hiệu quả hơn.

Ngoài các ngành khoa học và công nghệ không gian liên quan mật thiết đến đời sống, dữ liệu lớn còn được ứng dụng vào các ngành khoa học vũ trụ khác như vật lý thiên văn. Theo một thống kê gần đây, các đài thiên văn tạo ra một nguồn dữ liệu khoa học rất lớn mỗi ngày (LOFAR: 20 TB, ALMA: 5 TB). Nguồn dữ liệu khổng lồ từ các kính thiên văn này cần được xử lý và khai thác một cách hiệu quả. Theo đó, phân tích dữ liệu lớn được sử dụng để hỗ trợ lọc, sắp xếp và lưu trữ và phân phối dữ liệu một cách hợp lý.

NGÀNH KỸ THUẬT KHÔNG GIAN (Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn)

Ngành Kỹ thuật Không gian (Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn), được thành lập đầu tiên ở Trường Đại học Quốc tế, ĐHQG-HCM, đào tạo kỹ sư chuyên về ứng dụng công nghệ vệ tinh bao gồm: xử lý và phân tích tín hiệu, ảnh vệ tinh; công nghệ viễn thám và định vị; phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn.

Ngành ra đời nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vệ tinh trong mọi mặt đời sống xã hội, phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng.
Từ năm học 2023-2024, ngành Kỹ thuật Không gian (Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn) đẩy mạnh khối kiến thức về khoa học dữ liệu lớn (Big Data Analytics and Applications) với 20 tín chỉ (bao gồm cả tự chọn), trong đó có 4 tín chỉ dành cho Phân tích kinh doanh với dữ liệu lớn, giúp cho sinh viên ngành Kỹ thuật Không gian làm quen với các bài toán trong thực tiễn kinh doanh. Sinh viên các ngành khác hoàn toàn có thể học môn này. ***Với sự thay đổi này, ngành Kỹ thuật Không gian (Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn) sẽ là một trong những ngành “hot” nhất trong đào tạo nhân lực về các công nghệ lõi của Cách mạng 4.0***.

Ngành Kỹ thuật Không gian (Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn) có chương trình thực tập ở các viện nghiên cứu hàng đầu ở Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản với tài trợ tài chính từ các đối tác cho sinh viên của ngành.

Kỹ sư tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Không gian (Phân tích và ứng dụng dữ liệu lớn), 100% có việc trong khoảng thời gian 6 tháng từ khi tốt nghiệp, với mức lương từ 12 đến 25 triệu đồng/tháng.

Các bạn muốn có thêm thông tin về Ngành, đừng ngần ngại liên hệ admin nhé!