Kỹ sư ngành KTGK khóa đầu tiên bảo vệ luận văn tốt nghiệp

Khoá đầu tiên 2016-2020,
kỹ sư ngành Kỹ thuật Không gian bảo vệ luận văn tốt nghiệp

Sáng ngày 28/8/2020, Bộ môn Vật Lý đã tổ chức buổi bảo vệ luận văn cho sinh viên ngành Kỹ thuật Không gian, khoá đầu tiên 2016-2020.
Đợt bảo vệ đầu tiên gồm có 5 sinh viên (theo thứ tự abc): Nguyễn Phúc Đạt, Nguyễn Ngọc Huy Hoàng, Lê Kim Long, Nguyễn Lê Tiến và Hầu Văn Tùng:

  1. Nguyễn Phúc Đạt thực hiện luận văn với sự hướng dẫn của TS. Lê Ngọc Trẫm và TS. William Reach (Deputy Director) tại Trung tâm khoa học SOFIA, NASA, về Mô phỏng vạch bức xạ CO ở các vùng có sóng sốc tại các bước sóng vùng hồng ngoại, hướng tới sử dụng dữ liệu quan sát của Đài quan sát SOFIA, đặt trên máy bay Boeing 747SP.
  2. Nguyễn Ngọc Huy Hoàng thực hiện luận văn với sự hướng dẫn của TS. Woo-Kyoung Lee và TS. Byung-Kyu Choi tại Viện Thiên văn và Khoa học Không gian (KASI), Hàn Quốc, về Tính toán nồng độ electron ở tầng điện ly phía trên bầu trời TP. Hồ Chí Minh, sử dụng trạm đinh vị toàn cầu GNSS đặt tại Trường Đại học Quốc tế – ĐHQG-HCM.
  3. Lê Kim Long thực hiện luận án với TS. Kyung-Suk Cho (tại Viện Thiên văn và Khoa học Không gian (KASI), Hàn Quốc)và TS. Kyoung-Sun Lee (đại học Alabama), về Phát hiện và nghiên cứu các tính chất vật lý của các luồng phụt trên Mặt trời, sử dụng Đài quan sát động lực học Mặt Trời SDO (Solar Dynamics Observatory).
  4. Nguyễn Lê Tiến thực hiện luận án với TS. Lâm Đạo Nguyên tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) về Thiết lập bản đồ ngập lụt vùng Mekong Delta, sử dụng dữ liệu vệ tinh Sentinel-1 với Google Earth Engine.
  5. Hầu Văn Tùng thực hiện luận văn với TS. Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC) về Mô phỏng cho hệ thống tìm kiếm vệ tinh ở vùng bước sóng quang học.

Cả 5 sinh viên đều bảo vệ thành công trước Hội đồng, các em có trình độ chuyên môn rất tốt, tiếng Anh trôi chảy và rất tự tin.

Phúc Đạt sau khi tốt nghiệp sẽ tiếp tục kỳ thực tập ở NASA (đã bị lỡ hẹn do dịch Covid-19) và tìm kiếm học bổng tiến sỹ về Thiên văn Vật lý.
Huy Hoàng sẽ học tiếp sau đại học tại Hàn Quốc, hướng tới chuyên ngành về kỹ thuật định vị, lập trình tạo các ứng dụng cho các thiết bị di động dùng định vị.
Kim Long mong muốn làm việc ở BM Lý một thời gian trước khi sang Hàn Quốc học tiến sỹ, Long cũng đã kịp thi lấy chứng chỉ IELTS (chỉ được có 7.5 điểm thôi).
Văn Tùng với đam mê cháy bỏng về các công nghệ tiên tiến, sau khi đã làm ra một số thiết bị tự động (vẫn còn dang dở), sẽ được định hướng đào tạo về kỹ thuật ăng ten vô tuyến.
Lê Tiến là một trường hợp rất đặc biệt, khi nhập học, Tiến học Vật lý rất khó khăn (rất căng thẳng khi giải thích vì sao quả táo rơi xuống đất). Nhưng sau 4 năm học, Tiến đã có tiến bộ vượt bậc, không ngờ khi hoàn thành một đề tài thuộc loại khó nhằn.

Chúc mừng tất cả các em!

Một thế hệ mới của Việt Nam với đam mê khoa học và kỹ thuật không gian, giỏi chuyên môn, tự tin trong môi trường quốc tế, và có trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội và đất nước, đã lộ diện!