Trường Đại Học Quốc Tế – Đại Học Quốc Gia TP.HCM

LIỆU TA CÓ TÍNH SAI TUỔI CỦA MẶT TRĂNG?

Trong một nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Nature, các nhà khoa học từ Đại học California Santa Cruz, Viện nghiên cứu Mặt Trời Max Planck, và Collège de France đã làm sáng tỏ lịch sử đầy biến động của bề mặt Mặt Trăng, giải quyết những mâu thuẫn lâu nay về độ tuổi của vệ tinh tự nhiên này.

Cách đây khoảng 4,43 đến 4,51 tỷ năm, một thiên thể có kích thước tương đương sao Hỏa đã va chạm với Trái Đất non trẻ, khiến các vụn vỡ đất đá bắn vào không gian, kết tụ lại, dần di chuyển ra xa thành Mặt Trăng. Bao phủ bề mặt thiên thể này là một đại dương magma nguội dần. Tuy nhiên, khi bán kính quỹ đạo của Mặt Trăng mới chỉ bằng một phần ba hiện tại, lực thuỷ triều (tidal force) mạnh mẽ đã làm phần bên trong nó nóng chảy, tạo nên những núi lửa lớn khuấy đảo lớp phủ bề mặt và cho phép một số nguyên tố di chuyển vào lõi của Mặt Trăng.

Hoạt động núi lửa này đã làm nóng liên tục lớp vỏ đất đá, xoá đi những vết tích mà magma để lại (như lấp đầy và khe khuất các hố va chạm) và thay đổi thành phần lớp phủ bề mặt. Nhiệt độ cực cao ở thời kỳ này cũng cho phép sự trao đổi đồng vị (isotope exchange) diễn ra, đặt lại “đồng hồ địa chất” trong đá khi chúng nguội đi. Điều này giải thích vì sao hầu hết các mẫu vật từ Mặt Trăng gợi ý độ tuổi khoảng 4,35 tỷ năm, trong khi phân tích các tinh thể zircon hiếm có khả năng chịu nhiệt lại cho ra độ tuổi lớn hơn vài trăm triệu năm.

Tính toán mới của các nhà khoa học đã giải quyết mâu thuẫn về tuổi cũng như hoàn thiện bức tranh về quá trình hình thành và phát triển của Mặt Trăng.

Nguồn: https://phys.org/…/2024-12-moon-young-crust-violent…

Tổng hợp: Khoa Lê