Trường Đại Học Quốc Tế – Đại Học Quốc Gia TP.HCM

MỘT SIÊU TÂN TINH LIỆU CÓ THỂ TÁC ĐỘNG LÊN KHÍ QUYỂN TRÁI ĐẤT?

Tiến sĩ Robert Brakenridge – viện INSTAAR* (Mỹ) đã xây dựng một mô hình phân tích (analysis model) mô tả tác động của bức xạ siêu tân tinh lên khí quyển Trái Đất, nhằm lý giải các giai đoạn biến đổi khí hậu đột ngột trong quá khứ cũng như chuẩn bị cho các sự kiện tương tự trong tương lai.

Mô hình được phát triển từ dữ liệu của các kính viễn vọng không gian hiện đại. Theo mô hình, luồng photon năng lượng cao đột ngột từ một vụ siêu tân tinh sẽ phân hủy khí ozone và methane trong tầng bình lưu. Điều này dẫn đến suy giảm hiệu ứng nhà kính và làm gia tăng lượng tia cực tím từ Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất. Hậu quả có thể bao gồm tuyệt chủng chọn lọc, cháy rừng, và hiện tượng lạnh toàn cầu.

Để kiểm chứng mô hình, tiến sĩ Brakenridge đã nghiên cứu lịch sử khí quyển qua vòng tuổi cây. Ông phát hiện 11 đợt tăng đột biến carbon phóng xạ trong vòng 15.000 năm qua, được cho là có liên quan đến 11 vụ nổ siêu tân tinh tương ứng. Thời gian xảy ra các hiện tượng trên Trái Đất trùng khớp với thời gian các siêu tân tinh phát nổ, và cường độ cũng tương ứng với mức bức xạ mà siêu tân tinh có thể phát ra theo mô hình.

Phải lưu ý rằng, vụ nổ siêu tân tinh chỉ là một trong số các giả thuyết về sự tăng bức xạ trong khí quyển. Các đợt bùng phát năng lương Mặt Trời (solar flare) thường được xem là nguyên nhân phổ biến hơn. TS. Brakenridge cho rằng các bằng chứng hiện tại như lõi băng ở hai cực hay trầm tích đại dương có thể giúp chúng ta xác nhận rõ hơn các mối tương quan này.

Việc hiểu rõ hơn về bức xạ siêu tân tinh có thể giúp nhân loại chuẩn bị cho những biến đổi khí hậu đột ngột có thể xảy ra. Một ví dụ điển hình là một siêu sao đỏ gần Trái Đất mang tên Betelgeuse có thể phát nổ siêu tân tinh bất cứ lúc nào trong vòng 100.000 năm tới.

*INSTAAR: Institute of Arctic and Alpine Research (Viện Nghiên cứu Bắc Cực và Núi Alps)

Nguồn : https://phys.org/…/2025-06-supernovae-abrupt-climate…

Tổng hợp: Hoàng Thế Anh