Trường Đại Học Quốc Tế – Đại Học Quốc Gia TP.HCM

SỰ THẬT VỀ KÍCH THƯỚC VÀ TỪ TRƯỜNG VỐN CÓ CỦA MỘC TINH

Nghiên cứu quá trình tiến hóa của Mộc tinh góp phần giải mã cấu trúc hiện tại của Hệ Mặt Trời. Thực chất, lực hấp dẫn mạnh mẽ từ Mộc tinh đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quỹ đạo của các hành tinh và điều chỉnh đĩa khí bụi nơi mà các hành tinh hình thành.

Các nhà nghiên cứu từ Viện công nghệ California và đại học Michigan đã phân tích những sai lệch nhỏ trong quỹ đạo của hai mặt trăng nhỏ của Mộc tinh là Amalthea và Thebe, cùng với nguyên lý bảo toàn mô men động lượng (những đại lượng có thể đo lường trực tiếp) để tính toán kích thước ban đầu của Mộc tinh thay vì phụ thuộc vào các giả định truyền thống. Họ phát hiện ra rằng, khoảng 3,8 triệu năm sau khi các vật thể rắn đầu tiên trong Thái Dương Hệ hình thành và lúc đĩa vật chất quanh Mặt Trời đang tan dần, bán kính của Mộc tinh vào thời điểm đó lớn gấp khoảng hai lần so với hiện nay. Thể tích lúc đó của nó ước tính tương đương hơn 2.000 lần Trái Đất, và từ trường khi đó mạnh hơn hiện tại khoảng 50 lần.

Phân tích đã tái hiện rõ ràng hình ảnh của Mộc tinh ngay tại thời điểm tinh vân quanh Mặt Trời tan biến. Kết quả này hỗ trợ lý thuyết bồi tụ lõi (core accretion), một quá trình trong đó lõi đá và băng nhanh chóng hút lấy khí bao quanh. Mặc dù còn nhiều điều chưa rõ, đây là một mốc quan trọng giúp hiểu rõ hơn về quá trình hình thành và tiến hóa của Hệ Mặt Trời.

Nguồn: https://phys.org/…/2025-05-jupiter-current-size…

Tổng hợp: Hoàng Thế Anh