Ngày 14/5 vừa qua, 12 vệ tinh đầu tiên đã được đưa vào không gian bằng tên lửa Trường Chinh 2D (Long March 2D) từ Trung tâm Phóng Vệ tinh Tửu Tuyền (Jiuquan). Khi triển khai đầy đủ, mạng lưới sẽ gồm hàng nghìn vệ tinh với tổng năng lực tính toán lên đến 1,000 POPS – tương đương 1 tỷ tỷ phép tính trên giây. Thông thường, vệ tinh phải gửi dữ liệu về Trái Đất để các trạm xử lý. Phương pháp này hạn chế lượng dữ liệu truyền xuống do giới hạn về băng thông và cơ sở hạ tầng. Vì vậy, chưa đến 10% dữ liệu vệ tinh được gửi về Trái Đất. Tuy nhiên với Tam Thể, lượng dữ liệu đồ sộ này sẽ được các mô hình AI xử lý thời gian thực ngay trên quỹ đạo.
Việc làm mát các máy chủ trên mặt đất tiêu hao hàng chục tỷ lít nước mỗi năm. Nhưng khi đặt trong không gian, trung tâm dữ liệu có thể tận dụng năng lượng mặt trời và toả nhiệt mà thậm chí không tạo ra khí thải carbon. Mạng lưới 12 vệ tinh hiện nay có công suất tính toán 5 POPS và 30 terabyte lưu trữ. Một vệ tinh được trang bị cảm biến phân cực X-quang được phát triển bởi Đại học Quảng Tây và Đài Quan sát Thiên văn Quốc gia – Viện Khoa học Trung Quốc nhằm nghiên cứu các bùng nổ tia gamma.
Khả năng giảm tắc nghẽn trong liên lạc không gian có thể mang lại nhiều lợi ích cho kinh tế, khoa học và quân sự. Mỹ và châu Âu đã thử nghiệm điện toán không gian trước đây, nhưng Trung Quốc là quốc gia đầu tiên triển khai cả một nhóm vệ tinh AI. Trong năm nay, dự kiến mạng lưới sẽ được nâng cấp lên thành 50 vệ tinh.